Tuyển dụng cộng tác viên chứng khoánĐăng ký mở tài khoản chứng khoán

Các phi vụ làm giá đình đám trong lịch sử chứng khoán Việt Nam

28.08.2023   |   Thời sự kinh tế

Xuyên suốt lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam có không ít vụ làm giá đình đám, để lại những vết sẹo khó lành cho nhà đầu tư. 

Từ Cựu chủ tịch DVD, người làm giá đầu tiên bị kết án

Ngày 26/11/2010, Cơ quan điều tra an ninh thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (DVD) liên quan đến việc thao túng giá chứng khoán. Hành vi này bị truy cứu trách nhiệm theo điều 181C của Bộ luật hình sự, một quy định mới được thêm vào bộ luật từ ngày 01/01/2010. Ông là người đầu tiên bị tuyên án vì tội danh này.


Ông Lê Văn Dũng

Một năm trước đó (2009), ông Dũng là một trong 60 người giàu nhất sàn chứng khoán với tài sản 240 tỷ đồng.

Theo điều tra, ông Lê Văn Dũng đã sử dụng 12 tài khoản để tạo cung và cầu giả mạo trên thị trường, nhằm làm giá hai cổ phiếu DHT và DVD. Hành vi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thị trường chứng khoán, làm thiệt hại cho nhà đầu tư.

Đối với mã DVD, ông Dũng đã sử dụng nhiều tài khoản để mua vào và bán ra cổ phiếu tạo sự biến động giả mạo về giá và khối lượng giao dịch. Mục tiêu của ông là làm tăng giá cổ phiếu trên thị trường, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư để sau đó bán ra với giá cao.

Từ 22/12/2009 (ngày DVD chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE) đến 13/09/2010, giá cổ phiếu DVD từ mức 52,000 đồng/cp đã tăng gấp đôi đạt 108,000 đồng/cp.

Tuy nhiên, mọi việc vỡ lở không từ DVD mà từ DHT (Công ty cổ phần Dược Hà Tây).

Vào cuối tháng 6/2010, Nhóm ông Dũng đã nắm trên 28.68% cổ phiếu Dược Hà Tây. Sau đó, nhóm này và các đối tượng liên quan đã nắm trên 60% vốn điều lệ. Trong tình huống này ban lãnh đạo DHT đã phòng thủ bằng cách đề nghị mua thêm cổ phiếu quỹ và phát hành cổ phiếu mới, tuy nhiên, đều bị nhóm DVD bác bỏ.

Ngày 01/09/2010, DHT đã có văn bản tố DVD và những người liên quan đã làm giá DHT. Sau đó cơ quan điều tra phát hiện ra DVD cũng bị làm giá.

Ông Dũng đã bị phạt 4 năm tù cho hai vụ làm giá này. Ngày 05/09/2011 cổ phiếu DVD đã bị huỷ niêm yết.

“Tay không bắt giặc” dựng công ty ảo trị giá 310 tỷ lên sàn UPCoM

Đây có lẽ là phi vụ làm giá “ảo tung chảo” nhất trong lịch sử chứng khoán. Các bị cáo dựng một công ty ảo có trụ sở là một quán ăn, với giá trị lên tới 310 tỷ đồng.

Vào năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh (cựu Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Nari Hamico) đã tiến hành mua hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Dù MTM không hoạt động và không có vốn, nhưng ông Dĩnh đã chỉ đạo em gái làm tài liệu giả mạo “giúp cho” MTM có tới 103 cổ đông nắm giữ 31 triệu cổ phần (giá trị 310 tỷ đồng).

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, MTM đã nộp đơn xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận là công ty đại chúng trước khi tiến hành đăng ký niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2015, Nguyễn Văn Dĩnh đã bị bắt trong một vụ án khác. Công ty MTM sau đó nhanh chóng thu hồi hồ sơ đăng ký niêm yết. Một tháng sau, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công (hiện đang trốn tránh pháp luật) đã liên kết với Vũ Thị Hoa (vợ của Dĩnh) để nhận lại hồ sơ pháp lý.

Trần Hữu Tiệp cùng những người liên quan đã tiến hành lừa đảo, và thao túng giá cổ phiếu MTM. Họ đã sử dụng tới 59 tài khoản chứng khoán để tạo ra cung cầu giả và điều chỉnh giá cổ phiếu, gây ra thiệt hại lên tới hơn 56 tỷ đồng, trong đó họ đã chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Thêm vào đó, Tiệp đã lừa bán cổ phiếu MTM cho hai cá nhân khác, chiếm đoạt tổng cộng 355 triệu đồng.

Sau đó, Tòa án nhân dân Hà Nội tiến hành phiên tòa sơ thẩm lần hai, xét xử 15 cá nhân với các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng giá chứng khoán, Sản xuất tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong công việc.


Ông Trần Hữu Tiệp

Trong phiên tòa, Trần Hữu Tiệp - Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) đã bị tòa tuyên án chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vũ Thị Hoa và Nguyễn Lê Trường, mỗi người nhận mức án 12 năm tù.

Tuy quy mô và thiệt hại nhìn chung không lớn, nhưng đây chắc chắn là phi vụ làm giá trắng trợn nhất trong lịch sử, với mức lợi nhuận siêu tưởng.

Nhóm Nguyễn Đỗ Lăng làm giá cổ phiếu APEC


Ông Nguyễn Đỗ Lăng

Từ đầu quý 3 cho đến giữa quý 4 năm 2021, nhóm cổ phiếu thuộc APEC Group, bao gồm CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) đã ghi nhận mức tăng vượt trội, từ 400% đến 500%. Phát giác ra các hoạt động khả nghi, vào 12/06/2022, UBCKNN đã chủ động đề nghị Công an TP. Hà Nội tiến hành điều tra liên quan đến những hoạt động khả nghi trên tài khoản mở tại APS để xác định liệu các cá nhân trên có tham gia vào việc thao túng giá của ba mã nhóm công ty APEC Group.

Cơ quan chức năng đã điều tra và khởi tố ông Phạm Duy Hưng, giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán APS, cùng ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng Giám đốc APS (ông Lăng là nhà sáng lập, Chủ tịch Apec Groups) vào ngày 22/06/2023. Bên cạnh đó, bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Lăng, bà Nguyễn Thị Thanh, đảm nhận vị trí Kế toán trưởng tại Chứng khoán APS và bà Phạm Thị Đức Việt, 41 tuổi, Phó Phòng Dịch vụ khách hàng, cũng bị đưa vào diện điều tra.

Trong quá trình điều tra ban đầu, ông Lăng cùng vợ và ông Hưng được cho là đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 40 tài khoản tại APS để thực hiện giao dịch nhằm tạo ra một cung cầu giả mạo và định hình giá đóng cửa.

Cơ quan điều tra xác nhận nhóm này đã thu được lợi ích lên đến hơn 157 tỷ đồng thông qua việc thao túng cổ phiếu.

Còn nhớ, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/11/2021 ban lãnh đạo APS cùng cổ đông hô "quyết tâm gồng lãi" với chiếc khăn tím trên cổ. Chi tiết này đã làm dư luận dậy sóng.

Đỗ Thành Nhân - Làm giá bằng miệng


Ông Đỗ Thành Nhân

Xuất thân từ một công ty buôn bán gạo nhỏ, sau nhiều lần đổi tên thành Louis Holdings do ông Đỗ Thành Nhân làm chủ tịch đã tăng vốn lên 540 tỷ đồng. Sau đó doanh nghiệp này tiếp tục mua cổ phiếu của các công ty CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII), Louis Capital (TGG), CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM), CTCP Chứng khoán APG (APG) cũng như CTCP Sametel (SMT), CTCP Dược Lâm Đồng (LDP).

Ông Nhân đã trở thành ngôi sao với những phát ngôn rất hùng hồn về tiên đoán giá trên mạng kiểu:

"Từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái", hay "Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X, TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 2X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng (chứng)".

Đáng chú ý, các công ty ông Nhân mua đều là những công ty nhỏ, kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu trôi nổi ít. Nhưng sau khi về tay ông Nhân thì giá và khối lượng giao dịch đều tăng lên rất nhiều lần. Nổi bật trong đó là cổ phiếu nhỏ TGG tăng từ 1,000 đồng/cp vào cuối 2020 lên 69,000 đồng/cp vào tháng 9 năm 2021. Tuy nhiên cũng từ thời điểm đó các cổ phiếu này tuột dốc không phanh, đơn giản như TGG chỉ còn 3,500 đồng/cp (tháng 8/2023).

Ngày 20/04/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam 4 cá nhân, trong đó có Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Louis Holdings, Trịnh Thị Thúy Linh - Giám đốc Hành chính Louis Holding, Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt và Lê Thị Thùy Liên - nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt, với tội danh "thao túng thị trường chứng khoán".

Theo C03, từ 04/01/2021 đến 06/10/2021, ông Đỗ Thành Nhân và ông Đỗ Đức Nam cùng các đối tác đã sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Louis Capital (TGG), Louis Land (BII) và một số mã khác, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Vụ thao túng nhóm Louis vẫn là những chiêu hô hào, kích động rất “đa cấp”, thậm chí lộ liễu nhưng nhà đầu tư vẫn lao vào. Đó là bài học sâu sắc cho giới đầu tư bởi những doanh nghiệp thực sự tử tế họ sẽ dồn công sức và trí tuệ của mình vào kết quả kinh doanh không phải giá chứng khoán.

Trịnh Văn Quyết - Lão đại của những kẻ làm giá


Ông Trịnh Văn Quyết

Gọi Trịnh Văn Quyết là lão đại của những kẻ làm giá trên thị trường chứng khoán bởi hai yếu tố. Thứ nhất, vị thế của ông Quyết, thời điểm cuối năm 2016 từng vượt mặt ông Phạm Nhật Vượng để trở thành người giàu nhất Việt Nam.

Thứ hai, quy mô giao dịch cổ phiếu họ FLC là rất lớn, trong đó FLC và ROS luôn là một trong những mã có thanh khoản lớn nhất trong các cổ phiếu của cả ba sàn.

Ban đầu từ những công ty có số vốn nhỏ, bằng các thủ thuật khai khống vốn, nộp tiền vào rồi ngay lập tức rút ra, các công ty của ông Quyết tăng vốn lên rất lớn: FLC tăng từ 18 tỷ lên 7,000 tỷ đồng, FLC Faros (ROS) từ 1.5 tỷ lên 5,675 tỷ đồng, FLC Homes (FHH) từ 9.9 tỷ lên 1,635 tỷ… Trong đó, ROS được xác định nâng khống vốn từ 1.5 lên 4,300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc khai khống vốn này, đế chế ảo của Trịnh Văn Quyết chưa sụp đổ nhanh đến thế.

Ngày 10/01/2022 Trịnh Văn Quyết đã đi một nước cờ hết sức “trẻ thơ” đó là trực tiếp bán ra 74.8 triệu cổ phiếu FLC không công bố thông tin. Cũng cần nhắc lại rằng cuối 2017, ông Quyết cũng đã “quên” công bố khi bán chui 54 triệu cổ phiếu thu về 400 tỷ đồng.

Theo công bố của Bộ Công an từ tháng 12/2021 đến 10/01/2022, ông Quyết đã chỉ đạo Phó Chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung và một số người khác dùng số lớn tài khoản để thao túng, làm tăng giá cổ phiếu FLC từ 15,500 đồng lên 24,050 đồng. Ngày 10/01, giá cổ phiếu trung bình ở mức 22,586 đồng, tăng 64% từ khi ông Quyết và nhóm bắt đầu "thổi giá".

Bộ Công an đã phát đi văn bản tới các địa phương, yêu cầu kiểm tra và cung cấp thông tin liên quan đến tài sản bất động sản, cổ phần, cổ phiếu và góp vốn dưới tên cựu chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp - cùng hai em gái của ông là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.

Đồng thời, Bộ Công an cũng yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động giao dịch liên quan đến các tài sản này của ông Quyết và mọi cá nhân liên quan.

Hiện tại, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố và tạm giam 5 cá nhân liên quan trong vụ việc, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế - cựu nhân viên kế toán Công ty FLC, Hương Trần Kiều Dung - Nguyên chủ tịch Công ty Chứng khoán BOS và Phó Chủ tịch FLC, Trịnh Thị Thúy Nga - cựu Thành viên HĐQT và Phó TGĐ Chứng khoán BOS, và cuối cùng là Nguyễn Quỳnh Anh - nguyên TGĐ Chứng khoán BOS.

Điểm đọng lại cuối cùng trong vụ án này là hình ảnh người đàn ông từng giàu nhất Việt Nam, đã lách qua những khe hở của pháp luật, lừa hàng vạn cổ đông trong bao nhiêu năm trời, giây phút bị bắt lại rơi nước mắt. Những dòng nước mắt xót xa… hay ân hận?

Trần Vương

FILI

 

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email
Tuyển dụng CTV

 

 

Góc nhìn chuyên gia

Tổng quang thị trường
 
Sự Kiện - Tin Tức
Thị trường
Tài chính tiền tệ thế giới
Doanh nghiệp
Thời sự kinh tế
Kiến thức chứng khoán

Địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0782222876

Email: brokerf319@gmail.com

Liên hệ quảng cáo

Hotline: 0782222876

Email: brokerf319@gmail.com

Chat với tư vấn viên