Theo chuyên gia, các chính sách vĩ mô của chúng ta đã ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát…cùng các biện pháp của cơ quan quản lý cũng đã giúp cho thị trường phát triển minh bạch và ổn định hơn.
Kinh tế Việt Nam bước qua quý 1 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng đã có sự tăng điểm mạnh với mức tăng bằng cả năm 2023. Thanh khoản gia tăng mạnh trên thị trường. Và trong lần tăng điểm này, dòng tiền chủ yếu tập trung mạnh vào các nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn hóa lớn, thay vì những nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa của lần tăng trước đó. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng mạnh thì thị trường cũng đã xuất hiện những phiên điều chỉnh tích lũy, liệu thị trường chứng khoán có tiếp tục trong xu hướng hướng tăng điểm và dòng tiền có chuyển hướng về những nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hay không?
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, chuyên gia đánh giá, thay vì luân chuyển lần lượt theo dòng cổ phiếu như trước đây, dòng tiền thông minh đang chuyển hướng và lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh cải thiện, có tiềm năng phát triển và được định giá hợp lý ở trong các nhóm ngành.
BTV Mùi Khánh Ly: Số liệu tăng trưởng quý I/2024 cho thấy nền kinh tế tiếp tục khởi sắc hơn các quý liền trước đó, ông đánh giá như thế nào về điều này?
2023 là một năm có hàng loạt các chính sách, các giải pháp của Quốc hội, Chính phủ đã được ban hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bốn lần điều chỉnh giảm lãi suất, rồi việc giảm thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% xuống 8 % cũng như giảm các loại thuế phí khác…hàng loạt chính sách hỗ trợ ra đời đã giúp kích thích nền kinh tế, đặc biệt về tổng cầu. Tiêu dùng của chúng ta đã tăng 16,4% cộng với hàng loạt các chính sách, hiện nay đã có 17 hiệp định thương mại đa phương và song phương. Thị trường xuất khẩu được đẩy mạnh nên tăng trưởng của quý I/2024 là kết quả của các giải pháp căn cơ từ năm 2023.
Đầu năm nay Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 01 và 02 yêu cầu tập trung đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh và đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ví dụ như mặt hàng về thép, tôn, nhôm thì trước đây chúng ta chỉ xuất sang các thị trường Ấn Độ, thị trường Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Nhưng bây giờ có xu hướng chuyển sang các thị trường Châu Á - Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, những phân khúc này đang có tín hiệu tốt. Chính vì những tín hiệu tích cực kể trên mà quý I/2024 cho thấy bức tranh về kinh tế của chúng ta đã sáng hơn nhiều so với các quý trước đó.
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tích cực, thị trường chứng khoán cũng đã khởi sắc nhưng vì sao dòng tiền chưa có sự lan tỏa, chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn?
Những doanh nghiệp có vốn hóa lớn hiện nay đang có xu hướng dẫn dắt thị trường, đặc biệt là họ thiết lập được chuỗi giá trị cung ứng ở trong nội khối của họ và đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế, cũng khả năng quản trị tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi, minh bạch hơn. Cho nên việc dòng tiền đổ vào nhóm này khi nền kinh tế phục hồi cũng là điều dễ hiểu và hết sức cần thiết. Bởi vì các doanh nghiệp vốn hóa lớn, họ không chỉ làm tốt cho doanh nghiệp của họ mà quan trọng nhất là còn hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn còn nhiều hạn chế, chưa đủ khả năng cạnh tranh trên các thị trường.
Đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ cũng có được sự hỗ trợ tích cực từ các giải pháp, các cơ chế chính sách của năm 2023, tuy nhiên đến nay vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng quan trọng nhất với họ hiện nay là phải cơ cấu lại các phương án về tài chính, cơ cấu lại các dòng sản phẩm và một phần chúng tôi đánh giá họ đang tích cực trích lập được quỹ dự phòng rủi ro. Trước đây họ chưa triển khai việc này nên khi xảy ra khó khăn, không có khoản để bù đắp. Chính vì vậy, trong năm 2023, các doanh nghiệp đã mạnh dạn trích lập quỹ dự phòng rủi ro từ 3% cho đến 5%. Và một yếu tố nữa là họ cũng đang tìm kiếm thêm các bạn hàng mới để mở rộng quy mô về thị trường, đầu tư thêm trang thiết bị, công nghệ để tìm cách đưa các sản phẩm vào thị trường ngách. Một yếu tố nữa là họ cũng đang tận dụng được các cơ hội hợp tác với những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa ở các nước phát triển, ở các thị trường ngách nên theo tôi, sự phát triển của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bền vững trong thời gian tới.
Bước sang các quý tiếp theo của năm 2024, theo ông, nền kinh tế sẽ diễn biến như thế nào?
Tình hình kinh tế ở khu vực và trên thế giới vẫn còn tương đối gặp khó khăn. Tuy nhiên Việt Nam là một điểm sáng về sự tăng trưởng, và với những lĩnh vực là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam thì chúng tôi đánh giá quý II, quý III, quý IV vẫn có thể duy trì được tốc độ này. Đặc biệt là những ngành nghề chủ lực như công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, các ngành về thực phẩm và lâm nghiệp, nông sản... Chúng ta cũng đang kích cầu thu hút thêm các khách du lịch đến với thị trường Việt Nam, sự ổn định hơn của hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, các vấn đề về nợ xấu cũng đã được kiểm soát.
Trong khi đó, lực hút FDI vẫn đang gia tăng, các dự án bất động sản ở khu công nghiệp vẫn tiếp tục được lấp đầy, nên chúng ta vẫn có đà phục hồi cho những quý tiếp theo. Và những điểm quan trọng nữa là hiện nay Bộ Tài chính tiếp tục trình Quốc hội để xem xét về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng VAT đến ngày 31/12/2024, hay đầu năm 2025 sẽ có nhiều văn bản luật về bất động sản, nhà ở sẽ được chính thức thực thi nên thị trường bất động sản dự báo cũng sẽ có sự phục hồi. Trong các chuỗi giá trị cung ứng, chúng tôi đánh giá đầu năm 2024, chúng ta đã xác lập được nhiều tỷ lệ mới, như đã có trên 30% doanh nghiệp ở Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng ở trong khu vực và toàn cầu, cùng hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương…Đây là những tín hiệu tích cực cho ba quý cuối năm 2024.
Với những phân tích như vậy thì thị trường chứng khoán có tiếp tục tích cực?
Trong quý I/2024, các nhà đầu tư rất bản lĩnh và dòng tiền thông minh hơn. Những rung lắc của thị trường nói chung đã không còn khiến các nhà đầu tư hoang mang nữa và họ đã hết sức là bình tĩnh trong việc lựa chọn lựa các kênh đầu tư. Các chính sách vĩ mô của chúng ta đã ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát…cùng các biện pháp của cơ quan quản lý cũng đã giúp cho thị trường phát triển minh bạch và ổn định hơn.
Năm 2024 sẽ tập trung vào các ngành như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và đặc biệt là những ngành liên quan đến chế tạo các sản phẩm trí tuệ thông minh nhân tạo. Hiện có rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, Nhật, Hàn…họ đang muốn đầu tư vào các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm, các phần mềm thông minh ở Việt Nam.
Bảo Sơn
Theo Nhịp Sống Thị Trường
Địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0782222876
Email: brokerf319@gmail.com